Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa tạp chí TIME

19/05/2012

Tạp chí Time của Mỹ ra đời năm 1923. Trong hơn 85 năm qua, đã năm lần hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa tạp chí này.

Đọc tiếp »


Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây

10/04/2011

Tháng 6 năm 1919, nghe tin các đoàn đại biểu mười mấy nước Đồng minh chiến thắng họp ở Vécxây cách thủ đô Pari 14 km, Nguyễn Tất Thành bàn với nhà yêu nước Phan Châu Trinh và luật sư, tiến sĩ Phan Văn Trường viết bản ”Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Vécxây.

Nhà yêu nước họ Phan trịnh trọng nói:

– Bảy điều yêu sách mà anh Thành nêu ra, theo tôi thật là xác đáng và đúng như bọn mình thường trao đổi với nhau. Chú Trường xem có nên thêm điều gì không?

– Tôi thấy thế là tốt… Thử xem còn vấn đề gì về quyền của nhân dân ta cần đòi…- Văn Trường nói và gõ nhẹ vào trán mình theo thói quen của ông khi cần suy tính một điều gì.

– Thưa hai bác – Tất Thành lên tiếng – Hôm trước cháu phác thảo ra 7 điều yêu sách đưa hai bác xem, nhưng đêm hôm qua cháu mới nảy thêm một ý. Cháu thấy rằng ở Đông Dương, bọn quan lại chỉ dựa vào các sắc lệnh của tên toàn quyền để cai trị dân ta mà không hề có luật. Cháu muốn đưa thêm một điều yêu sách nữa: “Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp”.

– Đúng! Đúng. Luật sư họ Phan sôi nổi hưởng ứng. Muốn cho dân ta có tự do thì phải đòi họ cai trị theo luật pháp!

Tôi cũng tán đồng! Phan Châu Trinh nói như kết luận buổi gặp mặt. Bây giờ ta làm thế nào để chuyển bản Yêu sách tới Hội nghị Vécxây đây?

Đọc tiếp »


Nhà văn Sơn Tùng được đề nghị phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”

15/12/2010

Hơi muộn, nhưng vẫn còn kịp, đó là việc Hội Nhà văn VN đang xúc tiến hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng, khi ông vừa qua những giờ khắc thử thách nghiệt ngã nhất của bệnh tật ở tuổi 83.

* Nhà văn Sơn Tùng: Hai ngón tay và hàng chục đầu sách

THIÊN AN

Tác giả “Búp sen xanh” – Sơn Tùng, đã sống một đời văn đáng tự hào, bằng nghị lực viết phi thường của một người thương binh nặng.
Tập nói ở tuổi 83

Đã năm tháng trôi qua kể từ ngày nhà văn trở bệnh nặng do vết thương cũ tái phát (ba mảnh đạn M79 găm vào đầu tại chiến trường Tây Ninh tháng 4.1971) trong thể trạng nguy kịch: Xuất huyết não, huyết áp rất cao, liệt nửa người. Tới thăm ông tại khu điều trị cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 30.6.2010, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết – người bạn chiến đấu cũ của ông, đã xúc động nhắc lại kỷ niệm không thể quên giữa hai người trong giờ phút sinh tử: “Khi anh Sơn Tùng bị thương nặng, tôi là người đã cõng anh ấy đi cấp cứu” và căn dặn các bác sĩ: “Anh Sơn Tùng là nhà văn được nhân dân yêu mến. Các đồng chí hãy cố gắng hết sức để cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng”.

Đọc tiếp »


W.J.Duiker nói về tác phẩm “Hồ Chí Minh – một cuộc đời”

10/12/2010

Chúng tôi sẽ giới thiệu lần lượt từng phần công trình nghiên cứu công phu “Hồ Chí Minh – một cuộc đời” của W.J.Duiker. Tiêu đề do BBT đặt.

LỜI TỰA

Ông Hồ chí Minh đã thu hút tôi từ giữa những năm 1960s. Khi đó tôi là một cán bộ ngoại giao trẻ tuổi tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Saigon, và tôi đã rất ngạc nhiên thấy các du kích quân Việt Cộng chiến đấu trong rừng có vẻ có kỷ luật hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn quân đội của đồng minh của chúng tôi – chính phủ Nam Viêt Nam. Khi tôi tìm hiểu vấn đề này, tôi ngày càng tin rằng một lý do là vai trò của ông Hồ chí Minh, người động viên và nhà chiến lược bực thầy, nhà cách mạng lão thành của Việt Nam. Sau khi tôi không làm viên  chức cho  chính phủ nữa và chuyển sang làm học giả, tôi đã nghĩ đến việc viết một  tiểu sử của nhân vật phi thường và phức tạp đó, nhưng ít lâu sau tôi nhận thấy rằng tôi chưa có đủ tư liệu nguồn để mô tả cuộc sống và sự nghiệp của ông một cách thuyết phục. Do đó, tôi đã hoãn dự án này lại cho đến gần đây khi đã có thêm rất nhiều thông tin từ các nước trên thế giới khiến tôi tin rằng đây là lúc có thể tiến hành nhiệm vụ đó.

Quyển sách này đã được soạn thảo trong hơn 2 thập niên qua, và trong quá trình hoàn tất nó tôi đã nhận được sự giúp đỡ của một số nơi. Quỹ Nghiên cứu của Đại học Nghệ thuật Tự do và Viện Nghiên cứu Nghệ thuật và Nhân văn tai Đại học Bang Pennsylvania đã một số lần hỗ trợ tài chính để tôi nghiên cứu chủ đề này ở Pháp và Viêt Nam. Nhờ sự giúp đỡ của ông Mark Sidel, Quỹ Ford, tôi đã sung sướng cùng bà Marilyn Young và ông A.Tom Grunfeld đi thăm Hà-nội năm 1993 để tìm hiểu về mối quan hệ giữa ông Hồ chí Minh và Hoa Kỳ. Tôi cũng xin cám ơn Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Chương trình Trao đổi  Học giả với Đông Dương thuộc Hội đồng trên đã cung cấp ngân sách cho tôi năm 1990 để nghiên cứu về ông Hồ chí Minh ở Hà-Nội. Trong thời gian đó, Viện Sử học, Trường Đại học quốc gia Hà-nội và Viện Mác Lê-nin đã vui lòng sắp xếp để tôi được thảo luận các chủ đề liên quan với các học giả và nghiên cứu viên quan tâm đến ông Hồ chí Minh và lịch sử cách mạng Việt Nam. Trước đó, năm l985 Viện Quan hệ Quốc tế đã bảo trợ một chuyến thăm của tôi, trong đó có cuộc viếng thăm lý thú đến làng Kim Liên, nơi sinh của ông Hồ Chí Minh. Trong số những người đã giúp đỡ tôi trong công tác nghiên cứu ở Hà Nội, tôi xin cám ơn ông Nguyễn Huy Hoan (Bảo Tàng Hồ chí Minh), ông Nguyễn Thanh (Bảo Tàng Cách mang), và ông Trần Thành (Viện Mác Lênin) và tất cả các vị đó đã đồng ý cho tôi phỏng vấn họ trong một thời gian dài. Tại Đại học Hà-Nội, các sử gia Phùng Hữu Phú, Lê Mậu Hân, Phạm Xanh và Phạm Công Tùng đã vui lòng dành thì giờ cho tôi và cung cấp cho tôi tài liệu nghiên cứu có liên quan đến cuộc đời và tư tưởng của ông Hồ chí Minh. Ông Hà Huy Giáp (nay đã qua đời) và ông Đặng Xuân Kỳ, lúc đó là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội đã vui lòng trả lời các câu hỏi của tôi về ký ức của các vị đó về Hồ Chủ tịch. Các ông Đỗ Quang Hưng, Ngô Phương Bá, Văn Tạo, Trần Hữu Đính (Viện Sử học) và ông Lưu Đoàn Huynh (Viện quan hệ quốc tế) đã rộng lượng giành thì giờ giúp tôi tìm hiểu những vấn đề then chốt trong dự án nghiên cứu của tôi. Tôi xin đặc biết cám ơn ông Vũ Huy Phúc, đã tháp tùng tôi và làm đối tác nghiên cứu cho tôi trong chuyến thăm năm 1990 và đã làm việc với thái độ kiên nhẫn và vui tính. Gân đây hơn, ông Hoàng Công Thuý (Hội Hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ) đã giúp tôi liên hệ với một số cá nhân và nguồn tư liêu trong khi tôi tiếp tục tìm hiểu về ông Hồ Chí Minh. Ông Dương Trung Quốc (tạp chí Xưa và Nay) đã cung cấp cho tôi một số bài rất có ích của tập san đó. Ông Nguyễn Quốc Uy (Viêt Nam Thông tấn xã) đã vui lòng cho phép tôi đưa vào sách này một số ảnh thuộc bản quyển của Việt Nam Thông Tẫn Xã.

Đọc tiếp »


Tổng giám đốc FPT học và làm theo Bác Hồ

29/11/2010

Câu chuyện của vị tổng giám đốc một tập đoàn tư nhân lớn cho chúng ta thấy những câu chuyện về Bác Hồ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Mời các bạn cùng đọc và cho bình luận.

Trước khi được biết đến với tư cách là giám đốc công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam, ông Nguyễn Thành Nam (Tổng Giám đốc FPT) đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn nhất và có những câu chuyện đáng để đời…

Đọc tiếp »


Hồ Chí Minh – Bậc thầy về làm thương hiệu quốc gia

26/11/2010

HOÀNG ĐÌNH
Tạp chí Người đô thị

Nếu ví mỗi đất nước là một ngôi sao, các quốc gia trên thế giới sẽ là một bầu trời sao thì mỗi ngôi sao sẽ “lung linh” một vẻ khác nhau.

Ánh sáng lấp lánh của mỗi ngôi sao không thể ôm đồm theo “một rổ giá trị” này khác.

Đọc tiếp »


Chủ tịch Hồ Chí Minh hình ảnh dân tộc

23/09/2010

PHẠM VĂN ĐỒNG

Hồ Chủ tịch là người cha già của dân tộc Việt Nam. Ngót ba mươi năm bôn ba bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần túy phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Ngôn ngữ của Người phong phú, ý nhị như ngôn ngữ dân quê Việt Nam; Người khéo dùng tục ngữ, hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị. Làm thơ, Người thích lối ca dao vì ca dao là Việt Nam cũng như núi Trường Sơn, hồ Hoàn Kiếm hay Đồng Tháp Mười vậy.

Mấy mươi năm xa cách quê hương, Người không quên mùi vị những thức ăn đặc biệt Việt Nam như cà muối, dưa chua, tương ớt, và ngày thường bây giờ, Người vẫn ưa thích những thứ ấy. Ngay sau khi về nước, gặp Tết, Người không quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ em, tuy chỉ có mấy đồng xu, nhưng cũng bọc giấy hồng đơn cẩn thận, tươm tất. Bình sinh như thế, đứng địa vị Chủ tịch Chính phủ kháng chiến kêu gọi quốc dân, Người dùng những lời nói thống thiết đi sâu vào tâm hồn Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng”.

Lối ăn ở của Hồ Chủ tịch giản dị như thế nào, chúng ta đã từng biết. Lúc ở chiến khu, Người sống chung với anh em trong một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở, sinh hoạt nhất nhất như anh em. Kể ra, Người có chỗ được biệt đãi: đó là bát nước cơm mà anh Lộc, đồng chí cấp dưỡng lành nghề và thân mến của chúng tôi lúc bấy giờ, bao giờ cũng để dành riêng cho Người, từ biên giới Cao Bằng cho đến Tân Trào, trước khi về Hà Nội. ở Hà Nội, Chủ tịch Chính phủ có phòng làm việc, phòng tiếp khách, nhiều khi chủ tọa những bữa tiệc long trọng, nhưng bình thường ngày hai bữa, Chủ tịch Chính phủ cùng nhân viên đều ăn chung. Nhiều lần, vì đến quá trễ, thức ăn không còn gì, Hồ Chủ tịch vẫn vui cười ăn đủ mấy bát cơm như thường lệ.

Đọc tiếp »


Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng qua một số tư liệu gốc tại bảo tàng cách mạng Việt Nam

03/09/2010

ThS Triệu Văn Hiển
Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc,Danh nhân văn hoá thế giới đã về với cõi vĩnh hằng được gần 36 năm. Người ra đi, nhưng đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản vô cùng to lớn – đó là tư tưởng về đạo đức cách mạng.

Có thể nói rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng được bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, nền đạo đức đã được hình thành hàng ngàn năm suốt chiều dài lịch sử dân tộc và kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông cũng như tinh hoa đạo đức của nhân loại và dựa trên nền tảng tư tưởng đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Song, với tư duy độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa có chọn lọc những giá trị đạo đức của quá khứ, đề xuất những tư tưởng đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Thông qua các tác phẩm, các bút tích gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy trong lĩnh vực đạo đức cách mạng, Người thường sử dụng nhiều khái niệm, phạm trù của các tư tưởng đạo đức đã có từ trước như trung, hiếu, nhân, nghĩa, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư đã có trong Nho giáo từ mấy trăm năm trước Công nguyên; Hoặc các khái niệm tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái… xuất hiện tại Tây Âu từ thời Hy-La cổ đại. Song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “Việt Nam hoá” thành các khái niệm đơn giản dễ hiểu, dễ thực hiện và gần gũi hơn với cán bộ và nhân dân lao động.

Đọc tiếp »


Hồ Chí Minh với Trung Quốc

02/09/2010

Dương Danh Dy

Lời giới thiệu của NBS: “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” là đề tài tôi quan tâm thời gian gần đây. Những diễn biến trong xung đột về lãnh thổ và kinh tế, sự “trỗi dậy” của Trung Quốc đặt ra cho chúng ta câu hỏi: nên như thế nào khi làm hàng xóm của một nước lớn? Chúng ta có thể học hỏi gì trong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc khi xưa?

Tôi có tìm cuốn “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” của GS Hoàng Tranh (Trung Quốc), tiếc là chưa tiếp cận được. Nay nhà nghiên cứu Dương Danh Dy có viết bài dưới đây, chỉ là một vài suy nghĩ của ông, chưa phải là một nghiên cứu hoàn chỉnh, nhưng tôi nghĩ cũng đáng để chúng ta quan tâm.

Xin giới thiệu cùng thầy cô và các bạn!

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã đi tới nhiều nơi trên thế giới, nhưng có lẽ Trung Quốc là một trong mấy nước Bác lui tới nhiều lần nhất, sinh sống ở đó trong thời gian dài nhất, có cống hiến rất lớn cho phong trào cách mạng cũng như để lại ở đó nhiều tình cảm nhất.

Trong bài viết nhỏ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh của Bác này, tôi không dám đề cập tới mọi vấn đề mà chỉ muốn nhắc tới một vài bài học từ Bác mà trong quá trình nghiên cứu về Trung Quốc tôi không bao giờ dám quên.

Đọc tiếp »


Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”

12/05/2010

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” được khai mạc sáng ngày 12/5 tại Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, nhân dịp kỷ niệm 12o năm ngày sinh Chủ tịch  Hồ Chí Minh.

Hội thảo có gần 400 đại biểu, các nhà khoa học, với 149 bài tham luận của các học giả trong và ngoài nước.

Đặc biệt tham dự Hội thảo có 55 đại biểu đại diện các đảng cộng cộng sản, công nhân quốc tế, bà Katherine Marin Muller- Trưởng đại UNESCO tại Việt Nam, các nhà khoa học quốc tế đến từ 22 quốc gia; đại sứ các nước tại Việt Nam…

TheheHoChiMinh.net xin giới thiệu bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch  Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Đọc tiếp »


Hội thảo Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ lý luận chính trị và truyền thông

03/05/2010

NBS

Sáng 28/4/2010, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh với sự nghiệp đào tạo cán bộ Lý luận chính trị và truyền thông trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế”.

Tới dự hội thảo có PGS TS Tạ Ngọc Tấn (Tổng biên tập tạp chí Cộng sản); TS Chu Đức Tính (Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) cùng các nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị – Quốc gia Hồ Chí Minh và cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đọc tiếp »


Tổ chức sinh nhật Bác quy mô cấp quốc gia

27/04/2010

Thủ tướng vừa quyết định phê duyệt đề án tổ chức kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010), 20 năm UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam (1990-2010).

Buổi lễ sẽ được tổ chức tại Hà Nội bắt đầu từ 7h30, ngày 18/5/2010 với quy mô cấp quốc gia, được truyền hình trực tiếp.

Đọc tiếp »


Văn hóa trong phê bình theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

12/01/2010

PHẠM HOÀNG DIỆP
Tạp chí Hà Nội ngàn năm

Tự phê bình và phê bình cốt là để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm để tư tưởng và hành động được đúng hơn và tốt hơn để làm việc có hiệu quả hơn. Như vậy cũng có nghĩa: tự phê bình và phê bình là hành vi văn hóa vì vậy nó phải được thực hiện đúng như bản chất của nó. Qua các phân tích nghiên cứu thì quan điểm phê bình có văn hóa của Hồ Chí Minh là:

Phê bình thẳng thắn, khách quan và xây dựng.
Phê bình với tâm trong sáng, tấm lòng bao dung và tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Phê bình được thực hiện một cách dân chủ, công khai.
Phê bình có phương pháp và nghệ thuật.

Hồ Chí Minh nhận thấy rằng: người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm, điều quan trọng là phải mạnh dạn nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Người ví việc che giấu khuyết điểm giống như “giấu giếm bệnh tật trong mình không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm nguy hiểm đến tính mạng”, bởi vậy “thang thuốc hay nhất là tự phê bình và phê bình” trong đó phải phê bình mình trước rồi phê bình người sau như người xưa đã dạy: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”.

Đọc tiếp »


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHỦ YẾU/Sách: “Hồ Chí Minh – con người của sự sống”

11/01/2010

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

– Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận (Ban Chấp hành Trung ­ương Đảng Cộng sản Việt Nam): Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 – 2006), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

– Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990.

– Bảo tàng Hồ Chí Minh: Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

– Nguyễn Trần Bạt: Văn hoá và con người, Nxb Văn hoá thông tin (In lần thứ hai), Hà Nội, 2006.

Đọc tiếp »


KẾT LUẬN/Sách: “Hồ Chí Minh – con người của sự sống”

11/01/2010

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

1. Sức sống của con người Hồ Chí Minh biểu hiện ở cuộc sống của ông có đầy tham vọng.

Phàm là người nào có đức dày, có tâm lành, có trí sáng, có tầm cao, có tài kinh bang tế thế, có ý chí lớn lao dời non lấp bể thì người đó không thể không có tham vọng.

Hồ Chí Minh là một con người như thế.

Đọc tiếp »


Chương 4: VĂN HOÁ SOI ĐƯỜNG CHO QUỐC DÂN ĐI/Sách: “Hồ Chí Minh – con người của sự sống”

11/01/2010

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

I. Vai trò, chức năng của văn hoá
Cách nhìn của thế giới
Quan niệm của Hồ Chí Minh
II. Hồ Chí Minh  –  sự tiếp biến văn  hoá. Vượt qua cú sốc văn hoá
III. Văn hoá trong tư tưởng Hồ Chí Minh – Cách nhìn biện chứng     trong xã hội hiện đại
Văn hoá với chính trị, kinh tế, xã hội
Văn hoá lối sống
Vượt qua cú sốc về giáo dục

Đạo đức là một bộ phận của văn hoá, có nghĩa là tôi/và nhiều người nữa mạnh dạn nêu lên khái niệm “văn hoá đạo đức”. Có thể có bạn đọc không ưng. Ở đây, trong cuốn sách này, chương trước, tôi muốn tách riêng ra để viết về đạo đức Hồ Chí Minh như là một triết lý phát triển qua hành động thực tế của Hồ Chí Minh.

Ở trong chương này, tôi viết riêng về văn hoá ở con người ông. Đúng thế. Hồ Chí Minh là nhà văn hoá. Hồ Chí Minh là nhà văn hoá trùm lên tất cả các cái danh khác mà người ta gọi ông.

Đọc tiếp »


Con đường tiếp cận chân lý khi nghiên cứu Hồ Chí Minh

10/01/2010

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

Chân lý chỉ có một. Sự thật chỉ có một. Nhưng nhận thức của mỗi con người, mỗi cộng đồng có nhiều khi không phải chỉ một lần mà nhận thức đúng ngay được chân lý, đúng ngay được sự thật.

Có 1001 nguyên nhân.

Thông thường thì nhận thức là cả một quá trình từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa đầy đủ đến toàn diện, và có khi nó dích dắc, có khi nhận thức tưởng là được rồi, đúng rồi nhưng sau đấy lại phải nhận thức lại. Nhận thức của con người về những sự vật và hiện tượng trong thế giới tự nhiên không bao giờ thật đầy đủ và tuyệt đối chính xác. Nhận thức của con người là quá trình phản ánh giới tự nhiên, nhưng đó không phải là là sự phản ánh đơn giản, hoàn chỉnh, và có khi đó không phải là sự phản ánh trực tiếp. Đúng như có người nói: con người không thể nào nắm được, phản ánh được, miêu tả được toàn bộ cái thế giới tự nhiên một cách đầy đủ, mà con người chỉ có thể đi gần mãi đến đó, bằng cách tạo ra những khái quát trừu tượng, những khái niệm, những quy luật, những bức tranh khoa học về một thế giới chung quanh.

Đọc tiếp »


Nghiên cứu Bác Hồ, nhớ về Sơn Tùng – nhà Hồ Chí Minh học thực thụ

03/01/2010

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

“Các chú đừng vẽ rắn thêm chân”, đó là câu Bác Hồ thường nói với những người sống gần Bác khi những người đó miêu tả, đánh giá, nhận định về một người hay một việc nào đấy. Ngay cả việc Bác Hồ thấy người khác nói, viết về mình, nặn tượng, vẽ tranh về mình, Bác cũng rất ngại, và thường là Bác khuyên người ta đừng có làm điều đó.

Thời còn là sinh viên ở trong ký túc xá của đất Mễ Trì (Hà Nội), nơi mà các lớp học trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân và hải quân của Mỹ mới từ nơi sơ tán trở về (năm 1970), có một đêm các lớp sinh viên chúng tôi đã được nghe ông Hoài Thanh, một nhà thơ có tiếng cũng là một cây bút phê bình văn học sắc sảo, nói chuyện về thơ Hồ Chí Minh, có nghệ sĩ Kim Cúc ngâm thơ “minh hoạ”. Tôi nhớ rất đậm lời ông Hoài Thanh bình rằng: “Thơ Bác hay vì đó là thơ Bác”. Có lần, trong đêm, Bác nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, có buổi nghe thấy ông Hoài Thanh bình thơ của Bác. Một hôm, tình cờ gặp Hoài Thanh trong một hội nghị, Bác nói vui với Hoài Thanh rằng, thơ của Bác không hay đến thế; những ý tứ mà Hoài Thanh bình ở trong Đài, thì khi làm thơ, chính bản thân Bác không nghĩ đến.

Đọc tiếp »


Chương 3: TRIẾT LÝ PHÁT TRIỂN QUA CUỘC SỐNG/Sách: Hồ Chí Minh – con người của sự sống

02/01/2010

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

Về triết lý phát triển thì quả là còn nhiều điều đáng bàn. Có thể coi rằng, triết lý là lý luận về triết học, tức là quan niệm về con người, về những vấn đề nhân sinh và xã hội. Còn phát triển là làm cho sự vật lớn lên theo chiều tốt đẹp.

Tôi đồng cảm với ý kiến của ông Thành Duy khi bàn về triết lý phát triển Hồ Chí Minh khi ông cho rằng: “Triết lý phát triển của Hồ Chí Minh là triết lý phát triển xuất phát từ cách tiếp cận với văn hóa học, đặc biệt là văn hóa đạo đức và chủ nghĩa nhân văn”[1].

Quan niệm của tôi về triết lý phát triển Hồ Chí Minh là triết lý phát triển qua cuộc sống của chính ông. Đó là lý luận và thực tiễn trong cuộc đời Hồ Chí Minh về sự biến đổi các vấn đề nhân sinh và xã hội theo chiều hướng tốt đẹp. Triết lý phát triển Hồ Chí Minh thể hiện qua ngôn ngữ (nói và viết) và nhất là qua hành động trong cuộc sống của ông. Chính đó là triết lý phát triển qua cuộc sống. Theo đó, tôi lần theo một số khía cạnh, chỉ một số khía cạnh thôi, để cảm nhận về vấn đề này ở Hồ Chí Minh. Sự cảm nhận đó không chỉ một lần là xong, và không phải sự cảm nhận của ai ai cũng giống nhau. Sự cảm nhận đó đúng hay sai, nông hay sâu, đậm hay lạt, là do cái tâm thế và cái trí của từng người. Nói thế để thấy rằng, người đọc đừng vội cho điều này là đúng, điều kia là sai một cách dễ dàng.

Đọc tiếp »


Chương 2: NHẬN THỨC LÀ MỘT QUÁ TRÌNH/Sách “Hồ Chí Minh – con người của sự sống”

01/01/2010

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

Theo dòng thời gian, tôi điểm lại những mốc lớn ghi dấu sự đánh giá về Hồ Chí Minh. Sự ghi dấu này cũng chỉ là tương đối, sự cắt lát, phân chia mốc thời gian có điều gì đó không ổn là do chính nhận thức còn hạn chế của tôi — tác giả của cuốn sách này.

I. Yếu tố thứ tư

Trong bài viết nhan đề “Ba mươi năm hoạt động của Đảng” cho Tạp chí Những vấn đề hoà bình và chủ nghĩa xã hội, số 2-1960, nhân dịp Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”[1].

Đó là khái quát của Hồ Chí Minh về ba yếu tố cho sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Và, xin thông tin luôn cho độc giả trước khi phân tích: tôi cho rằng, có cả yếu tố thứ tư nữa, đó chính là Tư tưởng Hồ Chí Minh (Sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam = 1. Chủ nghĩa Mác – Lênin + 2. Phong trào công nhân + 3. Phong trào yêu nước + 4. Tư tưởng Hồ Chí Minh).

Ở đây, có hai điều tôi muốn bình luận.

MỘT PHÁT KIẾN CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ QUY LUẬT HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Đọc tiếp »


Chương 1: Lối vào di sản/Sách “Hồ Chí Minh – con người của sự sống”

01/01/2010

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

  1. Đường tiếp cận

Chân lý chỉ có một. Sự thật chỉ có một. Nhưng nhận thức của mỗi con người, mỗi cộng đồng có nhiều khi không phải chỉ một lần mà nhận thức đúng ngay được chân lý, đúng ngay được sự thật.

Có 1001 nguyên nhân.

Thông thường thì nhận thức là cả một quá trình từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa đầy đủ đến toàn diện, và có khi nó dích dắc, có khi nhận thức tưởng là được rồi, đúng rồi nhưng sau đấy lại phải nhận thức lại. Nhận thức của con người về những sự vật và hiện tượng trong thế giới tự nhiên không bao giờ thật đầy đủ và tuyệt đối chính xác. Nhận thức của con người là quá trình phản ánh giới tự nhiên, nhưng đó không phải là là sự phản ánh đơn giản, hoàn chỉnh, và có khi đó không phải là sự phản ánh trực tiếp. Đúng như có người nói: con người không thể nào nắm được, phản ánh được, miêu tả được toàn bộ cái thế giới tự nhiên một cách đầy đủ, mà con người chỉ có thể đi gần mãi đến đó, bằng cách tạo ra những khái quát trừu tượng, những khái niệm, những quy luật, những bức tranh khoa học về một thế giới chung quanh.

Con người là một trong những loài động vật có vú yếu ớt nhất trên trái đất, nhưng đồng thời con người cũng là chúa tể sức mạnh so với muôn loài. Sức mạnh đó không nằm ở cơ bắp, mà là ở tư duy, ở trí tuệ, ở trí khôn. Bộ não người có đến khoảng 100 tỷ nơrông (neuron) thần kinh, được kết nối với nhau thông qua khoảng 100 000 tỷ sợi liên bào (synapse). Đúng là nhận thức (hay tư duy) của con người là phức tạp nhất, rối rắm nhất, nhưng lại là sáng nhất và đó là một chuỗi khôn cùng trong cái biến thiên của thế giới tinh thần. Con người đã bay lên vũ trụ, bay lên được cả đến mặt trăng, mà ngay đầu thế kỷ XX có mơ cũng không tưởng tượng nổi. Con người còn khám phá ra bao nhiêu điều bí ẩn và phát minh ra bao nhiêu điều kỳ diệu trong cuộc sống. Thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo còn những điều gì nữa đây chứng tỏ sức mạnh vô biên từ trí tuệ của con người?[1]

Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá về Hồ Chí Minh, nhận xét về cuộc đời và sự nghiệp của ông, đánh giá về vai trò của ông đối với tiến trình dân tộc Việt Nam cũng như đối với quá trình phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại…Ý kiến của người trong nước có, ngoài nước có; người cùng chính kiến với Hồ Chí Minh có; người khác chính kiến với Hồ Chí Minh cũng có; người sống cùng thời với Hồ Chí Minh có; người cùng làm việc với Hồ Chí Minh cũng có và cả những người thuộc thế hệ sau chưa từng gặp Hồ Chí Minh cũng có. Cũng như muôn vàn nhân vật lịch sử khác, Hồ Chí Minh được/bị mọi người nhìn nhận với nhiều con mắt khác nhau. Có người thì yêu, có người thì ghét, có cả người khác trận tuyến tuy không ưa ông (nếu phân thành tuyến ý thức hệ), nhưng lại vị nể ông.

Nhận thức của con người ta thường không theo con đường thẳng tắp. Nhận thức của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam cũng như của quốc tế, về Hồ Chí Minh, nói cụ thể hơn là nhận thức, đánh giá về vai trò, về sự cống hiến của Hồ Chí Minh đối với toàn bộ sự phát triển của dân tộc Việt Nam và quá trình phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhận thức đó đầy góc cạnh, chiều cạnh, tuỳ từng lúc, từng người, tuỳ từng tâm trạng.

Vào thời điểm này nhìn lại thì tương đối thuận lợi hơn trong đánh giá về Hồ Chí Minh, nhưng trong những năm 20, 30, 40 của thế kỷ XX thật không đơn giản một tý nào. Thật ra, hiện vẫn còn không ít ý kiến trong các cuốn sách, bài đăng các báo, tạp chí, các bài trên mạng internet đánh giá rất cực đoan, rất sai về Hồ Chí Minh, nhất là từ khi có các sự biến chính trị diễn ra làm cho hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn. Ghét sự nghiệp rồi ghét luôn cả con người của sự nghiệp đó. Bản chất của những ý kiến cực đoan đó hoàn toàn liên quan đến quan điểm không tán thành chế độ chính trị hiện hành của Việt Nam, một số ý kiến thấm đậm quan điểm chống cộng, thâm thù, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đọc tiếp »


Lời mở đầu “Hồ Chí Minh – con người của sự sống”

01/01/2010

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

Trong thế giới của con người, có ba cái chết.

Cái chết thứ nhất là cái chết sinh học. Cái chết này được xác định khi con người đã nằm ở cõi vĩnh hằng. Nói như người Hà Nội thường hay đùa, thì là “đi Văn Điển”.

Cái chết thứ hai là cái chết chính trị, đạo đức. Nghĩa là người đó còn sống đấy, sống về sinh học, nhưng coi như đã chết, thậm chí bị người đời nguyền rủa, hoặc chẳng ai còn biết người đó còn ở trên đời này nữa.

Cái chết thứ ba là người đó đã chết sinh học rồi nhưng vẫn còn sống mãi, sống đẹp trong tâm khảm của những người chân chính, bởi người đó đã để lại tiếng thơm cho đời, để lại di sản tinh thần lớn lao cho nhân dân, cho dân tộc và cho nhân loại nhiều thế hệ. Người anh hùng dân tộc Bungari Khơrixtô Bôtép (1849-1876), một lãnh tụ của cuộc kháng chiến Bungari chống quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ, viết rất hay rằng: “Người nào ngã xuống trong cuộc đấu tranh cho tự do thì người đó không bao giờ chết. Đất trời, thiên nhiên tiếc thương và ngợi ca muôn đời cuộc sống của người đó…”[1].

Trường hợp  Hồ Chí Minh chính là người thuộc cái chết thứ ba ấy.

Đọc tiếp »


Ý KIẾN VỀ TÁC PHẨM “HO CHI MINH: THE MISSING YEARS 1919 – 1941” (Hồ Chí Minh – Những năm tháng bị lãng quên 1919 – 1941) CỦA TÁC GIẢ SOPHIE QUINN – JUDGE

30/12/2009

Website TheheHoChiMinh.net nhận được bài viết của GS.Mạch Quang Thắng (một nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh lâu năm và có uy tín, hiện đang công tác tại Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), trao đổi về cuốn sách của Sophie Quinn, được lưu truyền từ khá lâu trên mạng.

Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả. Quý bạn đọc có thể dùng biểu mẫu cuối bài để phản hồi, hoặc email tới hòm thư info@thehehochiminh.net

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

1. Một số điểm chú ý đầu tiên

Đây là tác phẩm đã được xuất bản tại Mỹ năm 2002 (University of California Press). Có thể nói rằng, cho đến nay, những nhà Hồ Chí Minh học (thực thụ) cả ở trong và ngoài nước Việt Nam không ai là không biết tác phẩm này. Có người biết qua những bài phân tích, những lời giới thiệu, những lời bình phẩm của đồng nghiệp. Có người đọc trực tiếp tác phẩm đó bằng tiếng Anh. Trên nhiều website, tác phẩm này của nữ tác giả Sophie Quinn – Judge đã được giới thiệu, bình luận không ít. Trong nhiều bài báo nghiên cứu Hồ Chí Minh của một số tác giả trong và ngoài nước ta, một số người đã tham khảo, nêu lại ý kiến hoặc trích dẫn nội dung của cuốn sách trên.

Tôi cho rằng, tác phẩm này đã được xuất bản công khai, được bày bán ở các cửa hàng sách, được đặt lên các giá sách thư viện, được đưa vào thư viện điện tử, v.v. Sự hiện diện của tác phẩm này ở Mỹ cũng như ở trên thế giới là điều bình thường khi có ai đó nghiên cứu về Hồ Chí Minh – một nhân vật đặc biệt không những trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn cả trong tiến trình lịch sử thế giới thế kỷ XX.

Tôi chia những tác phẩm của các tác giả nước ngoài (kể cả người gốc Việt Nam) viết về Hồ Chí Minh thành hai loại chủ yếu: (i) loại nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, tuy quan điểm và phương pháp nghiên cứu có khác với những nhà Hồ Chí Minh học của Việt Nam; (ii) loại có cái tâm không lành, có thái độ hằn học, thâm thù, chống cộng, chống sự nghiệp cách mạng Việt Nam, và đương nhiên chống cả Hồ Chí Minh, muốn “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh” như họ đã tuyên bố công khai trên diễn đàn của cái gọi là “Khối 8406”.

Tôi cho rằng, tác phẩm của bà Sophie Quinn – Judge Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 – 1941 (và nếu kể thêm một người Mỹ nữa có công trình khoa học về Hồ Chí Minh gần đây nhất là William J.Duiker với tác phẩm Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, New York, 2000) là thuộc loại (i) theo sự phân loại trên đây. Năm 2005, trong một lần đến làm việc tại Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ), khi tôi trao đổi ý kiến về hai tác phẩm này với một số giáo sư ở đó thì người ta khen tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 – 1941 của bà Sophie Quinn – Judge hơn là tác phẩm Ho Chi Minh: A Life của ông William J.Duiker. Bà Sophie Quinn – Judge là nhà nghiên cứu triết học, lịch sử đã có nhiều công trình khoa học liên quan đến Việt Nam (cũng có thể gọi bà là nhà Việt Nam học). Bà đã nhiều lần sang Việt Nam dự hội thảo, trong đó năm 2009 đến Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh dự hội thảo khoa học trong khuôn khổ hợp tác với Viện Triết học của Học viện.

Đọc tiếp »


THÔNG BÁO Của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

15/12/2009

Thông báo số 151-TB/TW, ngày 19 tháng 8 năm 1989 lý giải về các bản Di chúc khác nhau của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về bản công bố chính thức năm 1969 cũng như ngày mất thực sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. TheheHoChiMinh.net xin giới thiệu văn bản quan trọng này tới bạn đọc, kèm theo thông báo này có các phiên bản gốc của Di chúc, bản đánh máy, cũng như bút tích viết tay của Hồ Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu. Dinh chúc được công bố ngay sau khi Bác qua đời và đã trở thành một nguồn cổ vũ lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà có một số điều chưa được công bố.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bác qua đời và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) thấy có trách nhiệm thông báo đến toàn Đảng, toàn dân một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác và ngày Bác qua đời.

1 – Về tài liệu gốc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đọc tiếp »


Chủ Tịch Hồ Chí Minh với việc giáo dục lịch sử dân tộc

15/12/2009

Nguyễn Quang Hà

Tạp chí Khoa Giáo tháng 4/2005

Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới – là biểu tượng của truyền thống kiên cường bất khuất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Cả cuộc đời Người luôn luôn kiên định: ”Tôi chỉ có một ham muốn ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành”.

Hồ Chí Minh chưa bao giờ lấy sự nghiệp văn chương làm cứu cánh, cũng như Người chưa bao giờ chủ định làm một nhà sử học. Nhưng qua những bài báo, qua lời phát biểu, qua những di sản tinh thần đó để lại cho chúng ta thấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục lịch sử cho thế hệ sau.

Trước tiên, cần phải thấy được Hồ Chí Minh có đầy đủ tố chất của một nhà nghiên cứu sử học. Sinh ra trong một gia đình Nho học có truyền thống khoa bảng, được thừa hưởng một di sản văn học lịch sử phong phú của dân tộc, từng đi khắp năm châu, thêm vào đó là tác phong luôn đi sâu, đi sát với thực tế đời sống, là người từng trực tiếp chứng kiến biết bao những sự kiện đổi thay lớn lao của nhân loại, của đất nước, cho nên các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có sức thuyết phục và làm lay động lòng người và phản ánh được nhiều vấn đề lớn lao của thời đại. Không chỉ đi nhiều, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh còn là người ham học, ham hiểu biết, thông thạo nhiều ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa,… và uyên thâm Hán học, thông kim, bác cổ, hiểu biết sâu sắc về văn hoá phương Đông và phương Tây, lại được trang bị phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác- Lê nin.

Nói như nhà sử học nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc) Lưu Tử Huyền (tức Lưu Tri Cơ) thì một người viết sử phải có ba sở trường: Tài, Học, Thức. Như thế thì Nguyễn Ái Quốc có đầy đủ các sở trường đó để trở thành một nhà sử học hiện đại. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã lấy các đề tài lịch sử như ”Kịch con rồng tre”, “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”… để tuyên truyền thức tỉnh đồng bào. Hoặc cũng có khi người trực tiếp viết các bài báo về lịch sử.

Không chỉ nghiên cứu những vấn đề mới mẻ ở phương Tây, Nguyễn Ái Quốc còn tìm hiểu cả những vấn đề xa xưa như Nho giáo và Khổng Tử từ những năm tuổi đời còn rất trẻ. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, Trung Quốc dấy lên phong trào phê phán Khổng giáo, chính phủ Trung Hoa dân quốc ban hành xoá bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử. Bằng cách nhìn khoa học, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích những mặt tích cực đồng thời chỉ ra những hạn chế của Khổng Tử do thời đại mang lại. Người nhận xét: “…Nhưng cách đây 20 thế kỷ, chưa có chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc chưa bị áp bức như chúng ta ngày nay, cho nên bộ óc Khổng Tử không bao giờ khuấy động vì các hoc thuyết cách mạng. Đạo đức của ông là hoàn hảo nhưng nó không thể dung hợp được với các trào lưu tư tưởng hiện đại, giống như một cái nắp tròn, làm thế nào để có thể đậy kín được cái hộp vuông?”. Và Người đã thẳng thắn chỉ ra: “với việc xoá bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử, chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái tim với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lê nin .

Trở về đất nước sau hơn 30 năm xa cách, Người bí mật hoạt động ở Pác Pó (Cao Bằng). Tại đây, Người đã dịch ”Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô”.

”Sáng ra bờ suối tối vào hang.

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.

Cuộc đời cách mạng thật là sang.”

Đặc biệt, trong thời gian vào khoảng cuối năm 1941; tại Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã viết tập ”Lịch sử nước ta”. Đây là tập diễn ca lịch sử viết ra làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu Việt Bắc và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân nhằm giáo dục, phát huy lòng yêu nước, yêu truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám năm 1945. Tập “lịch sử nước ta” được diễn đạt bằng thể thơ lục bát dễ thuộc, dễ nhớ, gồm 198 cầu Tác phẩm này được in nhiều lần vào các năm 1942, 1947, 1949… Quyển sách trình bày lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng, trải qua các triều đại như Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn và cho đến tận phong trào Việt Minh lúc đó. Từ trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã tìm được phương thức ”dựa vào dân để có sức mạnh”. Người khẳng định anh hùng làm nên sự nghiệp cao cả vì biết dựa vào dân, Người đánh giá cao vai trò của cá nhân và khẳng định vai trò quyết định của nhân dân.

Bằng cách viết ngắn gọn, súc tích, Người đã nêu lên những tấm gương sáng cho mọi tầng lớp học tập, noi theo như ”Người già như ông Lý Thường Kiệt quá 70 tuổi mà vẫn đánh Đông dẹp Bắc, thiếu niên như Trần Quốc Toản, mới 15 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên. Phụ nữ như Bà Trưng, Bà Triệu ra tay khôi phục giang san…” và Người nhận xét: “lịch sử ta dạy cho ta bài học: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Không chỉ là người biên soạn lịch sử, luôn quan tâm đến việc giáo dục lịch sử cho thế hệ sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người rất trân trọng các nhà sử học. Những người có may mắn được gần gũi Bác kể lại: Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn đang gay go, quyết liệt, ,bên cạnh đầu giường Bác nằm luôn đặt quyển sách ”Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII” của soạn giả Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm và trước khi đi xa, Người còn gửi lời hỏi thăm đến các tác giả của cuốn sách.

Mặc dù không phải là một nhà sử học chuyên nghiệp nhưng thông qua các tác phẩm để lại và hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã dùng lịch sử để tuyên truyền cách mạng, khơi dậy truyền thống bất khuất cứu nước, cứu nòi đã có hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Bác căn dặn phải biết ơn tổ tiên, cội nguồn và giữ vững non sông đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều thuộc lòng câu nói nổi tiếng giản dị mà sâu sắc của Người:

”Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.


Các câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

11/12/2009

Để bổ sung, hãy email tới Ban Quản trị hoặc phản hồi cuối bài này.

1. Không có gì quý hơn độc lập, tự do !

2. Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.

3. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

4. Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?

5. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Đọc tiếp »


Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

11/12/2009

Sưu tầm

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Người qua 4 châu lục, 3 đại dương, đặt chân lên gần 30 nước, làm hàng chục nghề khác nhau. Trong điều kiện hoạt động cách mạng bí mật, Người phải thay đổi họ tên rất nhiều lần. Mọi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm không làm Người chùn bước. Bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Người cũng chỉ có một mục đích như chính Người đã từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”.

Từ Nguyễn Sinh Cung, đến tên gọi Văn Ba khi xuất dương tìm đường cứu nước, rồi trở thành Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Người đã dùng nhiều tên gọi, bí danh, bút danh khác nhau. Đây là một bằng chứng sinh động nhất về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Mỗi tên gọi, mỗi bí danh Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng phần lớn đều gắn với những sự kiện lịch sử, những bước ngoặt quan trọng trong hành trình cứu nước của Người, trong từng chặng đường của cách mạng Việt Nam đều mang ý nghĩa nhất định. Nhiều bài báo, tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sử dụng bút danh là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong mỗi bước đường cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và là một nhà báo có một khối lượng bài viết lớn: khoảng 2.000 bài.

Trên cơ sở tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, qua một số sách báo công bố, cho đến nay chúng ta mới tập hợp được 174 tên gọi, bí danh và bút danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng.

Trong khuôn khổ bài viết với mục đích giúp bạn đọc có tư liệu để nghiên cứu, chúng tôi trích nêu một số tên gọi, bí danh, bút danh và thông tin cần thiết xung quanh mỗi tên gọi, mỗi bí danh và bút danh của Người.

Đọc tiếp »


HỒ CHÍ MINH trong lòng nhân loại

08/12/2009

“Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai…

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”

ÔXÍP MANDENXTAM, 1924

Đọc tiếp »


BÀI PHÁT BIỂU CỦA TIẾN SĨ M.AT-MÉT (MODAGAT AHMED), GIÁM ĐỐC UNESCO KHU VỰC CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG, ĐẠI DIỆN ĐẶC BIỆT CỦA TỔNG GIÁM ĐỐC UNESCO TẠI HỘI THẢO QUỐC TẾ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

08/12/2009

(thehehochiminh.net)- Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, Người còn là danh nhân văn hóa tiêu biểu của thế giới. Năm 1987, Tổ chức Văn hóa – Giáo dục – Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết tôn vinh Người.

Chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc bài phát biểu của Tiến sỹ ÁC-MÉT (MODAGAT AHMED), giám đốc UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây thật sự là một niềm vinh dự cho tôi được phát biểu trước các nhà tri thức và thông thái cao quý tụ tập ở đây ngày hôm nay để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, người chiến sỹ dũng cảm đã giải phóng dân tộc mình khỏi một thế kỷ đô hộ thực dân, bằng sự lãnh đạo khôn khéo và quyết tâm vững chắc. Người là một trong những động lực đầu tiên của phong trào chống thực dân thời kỳ sau Đại chiến thế giới thứ hai ở châu Á, và là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ 20. Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người vào  năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng. Những tình cảm này được thể hiện rõ rệt trong Nghị quyết của Đại hội đồng với sự nhấn mạnh rằng: tư tưởng của Người chứa đựng nguyện vọng của nhân dân muốn khẳng định nền văn hoá riêng của mình và xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau. Nghị quyết này cũng yêu cầu Tổng giám đốc UNESCO giúp đỡ cho các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt ở Việt Nam.

Đọc tiếp »


Nghị quyết của UNESCO về Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1987)

08/12/2009

Ghi chép của  Đại Hội Đồng

Kỳ họp thứ 24, Paris,

20 Tháng Mười đến 20 Tháng Mười Một 1987

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc UNESCO

Nghị quyết 18.65 được thông qua bởi Đại Hội Đồng tại kì họp lần thứ 24.

18.65 Kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại Hội Đồng

Căn cứ Việc tổ chức lễ kỉ niệm quốc tế của những danh nhân có văn hóa và trí tuệ kiệt xuất góp phần thực hiện mục tiêu của UNESCO và sự hiểu biết chung toàn thế giới,

Căn cứ Nghị quyết 4.351 kì họp thứ 18 của Đại Hội Đồng liên quan tới các hoạt động kỉ niệm ngày sinh của những nhân cách lớn và sự kiện để lại dấu ấn trên sự phát triển của loài người.

Đọc tiếp »


Những đóng góp có ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người

08/12/2009

TS.Cao Đức Thái

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trước hết thể hiện ở cách tiếp cận mang tính cách mạng – sáng tạo của Người về vấn đề này. Xuất phát từ lợi ích của dân tộc ta và các dân tộc tộc bị áp bức, từ chọn lọc, kế thừa và phát triển các giá trị nhân quyền của nhiều học thuyết, nhiều nền văn hóa, nhiều hệ tư tưởng, nhất là từ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người góp phần phát triển lý luận nhân quyền của nhân loại trong thời đại ngày nay.

Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người bắt nguồn sâu xa từ truyền thống nhân đạo và tinh thần yêu nước của dân tộc, kế thừa tư tưởng nhân quyền tiến bộ của phương Đông và phương Tây, nhất là tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người của chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Đọc tiếp »


Các liên kết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

16/11/2009

Nhằm thuận lợi cho quá trình tra cứu thông tin của bạn đọc, chúng tôi thống kê các liên kết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin bạn đọc lưu ý: các liên kết sẽ được mở sang một trang mới, chúng tôi không có liên hệ gì và không chịu trách nhiệm về nội dung các trang đó.

Để bổ sung các liên kết, vui lòng để lại bình luận cuối bài này. Hoặc email về: info@thehehochiminh.net

Đọc tiếp »