Ý KIẾN VỀ TÁC PHẨM “HO CHI MINH: THE MISSING YEARS 1919 – 1941” (Hồ Chí Minh – Những năm tháng bị lãng quên 1919 – 1941) CỦA TÁC GIẢ SOPHIE QUINN – JUDGE

30/12/2009

Website TheheHoChiMinh.net nhận được bài viết của GS.Mạch Quang Thắng (một nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh lâu năm và có uy tín, hiện đang công tác tại Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), trao đổi về cuốn sách của Sophie Quinn, được lưu truyền từ khá lâu trên mạng.

Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả. Quý bạn đọc có thể dùng biểu mẫu cuối bài để phản hồi, hoặc email tới hòm thư info@thehehochiminh.net

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG

1. Một số điểm chú ý đầu tiên

Đây là tác phẩm đã được xuất bản tại Mỹ năm 2002 (University of California Press). Có thể nói rằng, cho đến nay, những nhà Hồ Chí Minh học (thực thụ) cả ở trong và ngoài nước Việt Nam không ai là không biết tác phẩm này. Có người biết qua những bài phân tích, những lời giới thiệu, những lời bình phẩm của đồng nghiệp. Có người đọc trực tiếp tác phẩm đó bằng tiếng Anh. Trên nhiều website, tác phẩm này của nữ tác giả Sophie Quinn – Judge đã được giới thiệu, bình luận không ít. Trong nhiều bài báo nghiên cứu Hồ Chí Minh của một số tác giả trong và ngoài nước ta, một số người đã tham khảo, nêu lại ý kiến hoặc trích dẫn nội dung của cuốn sách trên.

Tôi cho rằng, tác phẩm này đã được xuất bản công khai, được bày bán ở các cửa hàng sách, được đặt lên các giá sách thư viện, được đưa vào thư viện điện tử, v.v. Sự hiện diện của tác phẩm này ở Mỹ cũng như ở trên thế giới là điều bình thường khi có ai đó nghiên cứu về Hồ Chí Minh – một nhân vật đặc biệt không những trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn cả trong tiến trình lịch sử thế giới thế kỷ XX.

Tôi chia những tác phẩm của các tác giả nước ngoài (kể cả người gốc Việt Nam) viết về Hồ Chí Minh thành hai loại chủ yếu: (i) loại nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, tuy quan điểm và phương pháp nghiên cứu có khác với những nhà Hồ Chí Minh học của Việt Nam; (ii) loại có cái tâm không lành, có thái độ hằn học, thâm thù, chống cộng, chống sự nghiệp cách mạng Việt Nam, và đương nhiên chống cả Hồ Chí Minh, muốn “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh” như họ đã tuyên bố công khai trên diễn đàn của cái gọi là “Khối 8406”.

Tôi cho rằng, tác phẩm của bà Sophie Quinn – Judge Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 – 1941 (và nếu kể thêm một người Mỹ nữa có công trình khoa học về Hồ Chí Minh gần đây nhất là William J.Duiker với tác phẩm Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, New York, 2000) là thuộc loại (i) theo sự phân loại trên đây. Năm 2005, trong một lần đến làm việc tại Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ), khi tôi trao đổi ý kiến về hai tác phẩm này với một số giáo sư ở đó thì người ta khen tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 – 1941 của bà Sophie Quinn – Judge hơn là tác phẩm Ho Chi Minh: A Life của ông William J.Duiker. Bà Sophie Quinn – Judge là nhà nghiên cứu triết học, lịch sử đã có nhiều công trình khoa học liên quan đến Việt Nam (cũng có thể gọi bà là nhà Việt Nam học). Bà đã nhiều lần sang Việt Nam dự hội thảo, trong đó năm 2009 đến Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh dự hội thảo khoa học trong khuôn khổ hợp tác với Viện Triết học của Học viện.

Đọc tiếp »