“Qua hai chiều cửa sổ” với nhà văn Sơn Tùng

Trần Hoàng Thiên Kim

Một buổi chiều đẹp trời trong căn phòng 12m vuông chật chỗ những tư liệu sách vở, ghi chép, nhà văn Sơn Tùng ngồi lặng lẽ bên bàn viết. Ông nghĩ ngợi một điều gì đó rất xa xăm, kẹp bút bằng hai ngón tay và viết một cách miệt mài. Ông đang có một mạch ý tưởng và sợ dừng tay sẽ mất dòng cảm hứng. Hình như ông đang làm thơ.

Những cuốn sách viết về bác Hồ quá thành công khiến ít người biết rằng xuất phát điểm ông là một nhà thơ. Ông nói” Tôi yêu thơ từ ngày còn thơ, yêu như mối tình đầu không thành đôi lứa trọn đời”. Bài “Chiếc nón bài thơ” của ông do nhạc sỹ Lê Việt Hoà phổ nhạc, được nhiều người biết đến. Bây giờ vì vẫn nhớ thơ nên ông vẫn làm, nhưng những bài thơ ấy vẫn còn nằm trong sổ tay như những kỷ niệm đẹp của tâm hồn.

Quá tuổi “thất thập cổ lai hy” với trên dưới 30 đầu sách cuốn nào cũng là một công trình dày dặn ông dành nhiều tâm huyết là một sự nỗ lực không ngừng của nhà văn Sơn Tùng. Con người ông không ở yên một chỗ bao giờ vì vậy từ ngày xưa ông đã chọn vào báo Tiền Phong để được sống với ngòi bút ưa xông pha của mình. Ông quan niệm tuổi trẻ phải đi nhiều mới có kinh nghiệm. Với lòng yêu nghề đó nên khi được phân công vượt Trường Sơn, mang hai mươi lăm cân trên đôi vai gầy gò mà vẫn đầy khí thế tiến vào miền Đông Nam Bộ để hiểu thêm cuộc sống của những người chiến sỹ, đi cùng các anh em giải phóng quân ăn rừng, ở lán. Bây giờ ngoài việc viết sách ông vẫn viết những bài báo, đó là một nhu cầu tự thân, một cách để mình không tự làm cùn mòn mình.

Đã ba mươi năm nay, ngày nào ông cũng dậy vào lúc 2h-3h sáng ngồi thiền. Cánh tay bị qoắp vào ngực giờ đã duỗi thẳng xuống được và có thể viết. Ông học điều đó qua bác Nguyễn Khắc Viện, học qua thầy Phan Khắc Hoan. Thiền xong ông đi tắm, rồi thắp hương ở bàn thờ Gia tiên, bàn thờ những danh nhân văn hoá trong phòng làm việc. Ông nói: “Hương khói sẽ dẫn mình đến một thế giới thanh thoát của tâm hồn, lúc đó tâm trí tôi thoải mái, sáng láng để ngồi vào bàn, không viết được thì đọc cho đến 9-10 h sáng”. Có bạn bè đến chơi ông say sưa nghe họ kể chuyện làng văn. Giờ đây ngoài sách báo, đài, ông không tự ra ngoài để nắm bắt những tình hình thời sự của văn đàn. Ông mất thói quen chiều chiều đạp xe lòng vòng quanh Hà Nội, ra ngoại thành với một vài người bạn như ba mươi năm về trước. Điều đó làm ông buồn, ông cảm thấy như một người vô ơn với những người bạn của mình và chỉ còn tâm niệm cố gắng viết thật nhiều để đáp lại tấm lòng bè bạn.

Cho đến nay nhà văn Sơn Tùng là người viết sâu sắc và đến ngọn nguồn con người Hồ Chí Minh. Nhà văn hóa Phan Ngọc trong bài viết rất dài nghiên cứu về phong cách Sơn Tùng đã viết :”Nhìn con người thương tật lặn lội khắp nước để tìm hiểu Hồ Chí Minh những người có quen biết Hồ Chí Minh đều không nỡ từ chối và nói thực. Về nhà, với khối bằng chứng đồ sộ và các tư liệu, sách báo khắp nơi mà anh khổ công sưu tầm, anh bắt tay vào việc viết tiểu sử lãnh tụ. Đó là con đường khiến anh trở thành con người có uy tín nhất viết về tiểu sử Hồ Chí Minh” .

Nói về sự nỗ lực của mình bao giờ nhà văn Sơn Tùng luôn e dè. Ông nhắc lại lời bác Hồ dặn dò em Hoa Xuân Tứ, quê ở Hưng Nguyên , Nghệ An, bị cụt cả hai tay mà vẫn học giỏi, viết bằng chân chữ rất đẹp, còn giúp mẹ việc nhà, giúp bộ đội cụ Hồ thu nhặt giẻ lau súng bảo vệ Nhà máy đường sông Lam :”Con người ta mất đi một bộ phận nào trên cơ thể là khổ cả đời, nó không mọc trở lại được. Chỉ có ý chí mới khắc phục được phần nào sự mất mát”.

Ông nói : “Mình đi viết bài về Hoa Xuân Tứ đâu ngờ chính câu chuyện về em lại “ám” vào mình, trở thành tấm gương cho mình vượt khó, và phải chiến đấu với bệnh tật hàng ngày. Mỗi khi trở trời ba mảnh đạn còn trong đầu lại hành hạ ông. Có khi huyết áp lên tới 240, nhịp tim lên tới 140, chân sưng và không đi được, phải đi cấp cứu. Nhưng mười năm gần đây thì tình trạng đó có giảm đi. Ông lại lao vào viết lách. Ông đang viết cuốn sách thứ 11 về Hồ Chí Minh “Trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”, theo ông, đay là một trong những cuốn sách có nhiều tư liệu quý lần đầu tiên được công bố về Hồ Chí Minh.

Ngày ngày trong căn phòng nhỏ yên tĩnh ở khu tập thể Văn Chương nhà văn Sơn Tùng vẫn hăng say làm việc cho dẫu những khi trở trời vết thương làm thân thể ông đau nhức nhưng tâm hồn ông vẫn hướng về nơi có ánh sáng mặt trời, nơi có “Cửa sổ xanh” đón nắng và gió là thi hứng trên trang giấy của ông: “Cửa sổ xanh anh hướng về mặt trời lặn/ Cửa sổ em hướng về mặt trời lên/ Cửa sổ anh xanh màu xanh của trời/ Cửa sổ em xanh màu xanh của biển/ Hai cửa sổ nhìn nhau qua một không gian/ Cây bàng đứng giữa hai chiều cửa sổ / Lá bàng bay trong trong mưa bay/ Cành bàng như những cánh tay/Dang rộng giữa hai chiều cửa sổ/ Lá bàng trái tim đỏ/ ẩn hiện trong sương/ Đếm từng ngày nhớ thương”.

Bình luận về bài viết này