TRẦN DÂN TIÊN: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (P6)

TRẦN DÂN TIÊN

Đúng ba tuần sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, đêm 23 tháng 9 năm 1945 quân Pháp gây ra chiến tranh ở Nam bộ. Tư lệnh tối cao Đồng minh vạch nước Việt Nam ra hai vùng, phía Nam do quân đội Anh giải pháp quân Nhật, phía Bắc do quân đội Trung Quốc giải giáp quân Nhật.

Khi mới đến, quân đội Anh được nhân dân Nam bộ đón tiếp niềm nở vì tin vào hiến chương quốc Đại Tây Dương và Phranxixcô. Cũng như đồng bào cả nước, nhân dân Nam bộ bắt đầu hưởng tự do mới giành lại, và làm việc cho tương lai của đất nước.

Thình lình, chiều ngày 23 tháng 9 năm 1945, Tư lệnh Anh tuyên bố giới nghiêm Sài Gòn, cấm nhân dân đi ra đường.

Đến nửa đêm, với khí giới do quân Anh cung cấp và lợi dụng lệnh giới nghiêm, quân Pháp tấn công thành phố.

Chiến tranh Việt – Pháp bắt đầu.

Đây là một cuộc chiến tranh phản bội do thực dân Pháp gây ra. Một bên liên quân Pháp, Nhật, Anh, một bên chỉ có người Việt Nam.

Quân Nhật võ trang đầy đủ bị điều động đi khắp các nơi trong miền Nam. Rồi thì, quân Anh đi theo, lấy cớ là để giải giáp quân Nhật, và quân Pháp tiếp sau quân Anh.

Bố trí như thế, người Việt Nam nếu đánh quân Pháp thì không tránh khỏi bắn vào quân Nhật, quân Anh. Quân Pháp núp sau lưng quân Nhật và quân Anh luôn luôn chiếm được những trận địa đã chuẩn bị sẵn.

Bắt đầu chiến tranh, bọn Pháp nói lâu nhất là ba tuần, tất cả Nam bộ và miền Nam Trung bộ sẽ bị chiếm hết.

Lời huyênh hoang của Pháp không thực hiện được, quân Anh thấy bối rối: Nhiệm vụ chính thức của họ là giải giáp quân Nhật, nhưng thực tế, họ giúp Pháp đánh Việt Nam.

Khi quân đội của tướng Lơ–cờ-Léc (Leclere) đến, bọn Pháp lại nói: lâu nhất là ba tháng, Việt Nam sẽ bị đánh bại.

Quân Anh giúp cho quân Pháp, bằng cách bán rất nhiều khí giới cho Pháp.

Quân đội Lơ–cờ-Léc không đánh bại được nhân dân Nam bộ. Đô đốc Đác–giăng–li–ơ (Thierry D’Argenlieu) cao uỷ Pháp đến Nam bộ.

Lúc bấy giờ, bọn thực dân Pháp bảo: “Nếu chúng ta không thể chinh phục Việt Nam bằng vũ lực, chúng ta sẽ dùng mưu kế để chinh phục”.

Cuộc đàm phán bắt đầu.

Hồ Chủ tịch và chính phủ ta không muốn chiến tranh, chỉ muốn tổ quốc được độc lập và thống nhất, muốn hoà bình để tránh cho nhân dân khỏi khổ và xây dựng lại nước Việt Nam nghèo nàn vì gần một thế kỷ sống dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Vì vậy Chủ tịch ký với đại diện của nước Pháp, ông Xanh–tơ–ni (Sainteny), bản hiệp định ngày 6 tháng 3.

Căn cứ theo hiệp định này, nước Việt Nam thừa nhận ở trong khối liên hiệp Pháp, thừa nhận những quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp ở Việt Nam, cho phép mười lăm nghìn lính Pháp đổ bộ ở Bắc bộ và Trung bộ để thay thế quân Tưởng giải giáp quân Nhật. Hiệp định ký xong, đôi bên phải lập tức đình chỉ xung đột.

Đây là một lúc khá khó khăn cho Hồ Chủ tịch. Báo chí của Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần công kích Chủ tịch kịch liệt, vu cáo Chủ tịch đã để cho Pháp mua chuộc.

Nhân dân không bằng lòng, vì họ căm thù sâu sắc bọn Pháp thực dân. Trước mặt đông đảo quần chúng, Hồ Chủ tịch giải thích những nguyên nhân trong nước và nước ngoài bắt buộc phải ký hiệp định. Cuối cùng Chủ tịch kết thúc bằng những lời cảm động:

“Hồ Chí Minh không và sẽ không bao giờ là một người bán nước”.

Nhưng, cũng ngày hôm đó, đô đốc Đác–giăng–li–ơ bí mật nói với thực dân Pháp: “Những nhượng bộ mà Pháp đã ký trong hiệp định, Pháp sẽ dùng phương pháp khác để giành lại”.

(Những lời này do Bút–biên (Boutbien)) nghị viên Pháp cho biết. Và các chiến sĩ ở Nam bộ đã bắt được lệnh bí mật đó đề ngày 7–3–1946 của Đác–giăn–li–ơ giao cho Pi Nhông phải tìm cách phá hiệp định 6-3).

Quả thật, cao uỷ Pháp đã không từ một hành động nào để phá hoại hiệp định mồng 6 tháng 3. Những hành động khiêu khích không những không đình chỉ mà còn tăng thêm. Và quân đội Pháp đổ bộ ở Trung bộ và Bắc bộ luôn luôn kiếm cách gây những sự xung đột chống lại người Việt Nam. Những cuộc xung đột đổ máu đã xảy ra ngay ở Hà Nội.

Về mặt kinh tế, đô đốc Đác–giăng–li–ơ đã dùng thủ đoạn xảo quyệt. Y ra lệnh bỏ giấy bạc năm trăm đồng. Đây là một mánh khóe thực dân xảo trá đã làm cho hàng chục vạn gia đình Việt Nam và ngoại kiều bị phá sản.

Sau hiệp định mồng 6 tháng 3, một cuộc hội nghị Việt – Pháp họp ở Đà Lạt. Hội nghị không đem lại kết quả gì vì đại biểu Pháp không thành thực.

Rồi cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chủ tịch và đô đốc Đác–giăng–li–ơ tại vịnh Hạ Long với rất nhiều nghi thức long trọng: hai mươi mốt phát đại bác chào khi Hồ Chủ tịch đến, hai mươi mốt phát đại bác chào khi Hồ Chủ tịch đi, hạm đội Pháp duyệt binh, v.v.

Cuộc gặp gỡ này quyết định sẽ có một đoàn đại biểu quốc hội Việt Nam sang Pháp, và vào cuối tuần tháng 5 năm 1946 một đoàn đại biểu khác của Việt Nam sẽ đến Pa–ri để điều đình những mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Đồng thời Hồ Chủ tịch sẽ là thượng khách của chính phủ Pháp.

Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Hồ Chủ tịch cùng phái đoàn Việt Nam lên đường sang Pa–ri.

Phái đoàn này đáng lẽ do Nguyễn Tường Tam, bấy giờ là bộ trưởng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo. Nhưng ngay hôm trước khi đi, “bộ trưởng” Tam đã bỏ trốn, mang theo tiền quỹ của bộ. Nhưng phái đoàn vẫn đi do ông Phạm Văn Đồng lãnh đạo.

Một ngày sau khi chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sang Pháp, đô đốc Đác–giăng–li–ơ, cao uỷ Pháp, tổ chức chính phủ bù nhìn Nam Kỳ và tuyên bố “Nam Kỳ tự trị”.

Vì chính sách gian dối ấy làm cho nhân dân phẫn uất, cho nên chiến tranh càng kịch liệt hơn ở Nam bộ và miền Nam Trung bộ. Máy bay Pháp bắn cháy nhiều làng mạc và bắn giết nhiều dân chúng. Khủng bố diễn ra khắp trong vùng quân đội Pháp chiếm đóng. Chúng lại già mồm vu khống nhân dân Việt Nam hành động khủng bố!

Chính phủ Pháp tiếp đón Hồ Chủ tịch với những nghi lễ đối với một lãnh tụ của một nước.

Nhưng hội nghị Việt – Pháp ở Phông–ten–nơ–bơ–lô (Fontainebleau) đã thất bại vì trong khi đó đô đốc Đác–giăng–li–ơ họp một cuộc hội nghị khác ở Đà Lạt, không mời Việt Nam. Mục đích của cao uỷ Pháp rất rõ ràng: phá hoại hội nghị Phông–ten–nơ–bơ–lô bằng một hội nghị đối lập.

Trong khi hội nghị Phông–ten–nơ–bơ–lô họp thì cũng họp “Hội nghị hoà bình” giữa các nước đã tham gia đại chiến lần thứ hai.

Vì muốn hoà bình và muốn ngăn trở những sự khiêu khích của thực dân phản động, Hồ Chủ tịch ký với chính phủ Pháp bản tạm ước 14 tháng 9, hai mươi bốn giờ trước khi Chủ tịch rời nước Pháp.

Sau khi ký bản tạm ước, báo chí Pháp và quốc tế có đến phỏng vấn, Hồ Chủ tịch trả lời:

“Hai vấn đề chính: thống nhất và độc lập của Việt Nam chưa được giải quyết dứt khoát. Nhưng một bản tạm ước còn hơn không có điều ước gì cả”.

Trong thời gian ở Pháp, Hồ Chủ tịch đã đi thăm miền Nam và miền Bắc nước Pháp. Chủ tịch đã đến thăm nơi đổ bộ của quân đồng minh ở phía Bắc nước Pháp.

Chủ tịch đã gặp nhiều người: nhà chính trị, nhà trí thức, lãnh tụ kinh tế, lãnh tụ thợ thuyền, đại biểu phụ nữ, lãnh tụ thanh niên. Chủ tịch nhận thấy nhân dân Pháp yêu chuộng hoà bình và tán thành thống nhất và độc lập của Việt Nam. Điều đó là một sự an ủi lớn cho Chủ tịch.

Phái đoàn Việt Nam về trước một vài ngày.

Chủ tịch về sau trên một chiếc tàu chiến Đuy–mông Đuyếc–vin (Du mont Durville) của Pháp.

Cách đây trên ba mươi năm, Chủ tịch đi Pháp, làm phụ bếp trên một chiếc tàu buôn. Ngày nay Chủ tịch đi trên một chiếc tàu chiến, là thượng khách của nước Pháp.

Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng Chủ tịch vẫn luôn luôn là người cách mạng trong sạch và hăng hái. Thái độ đối xử thành thật với mọi người và lòng yêu nhân loại vẫn không thay đổi.

Về đến Cam Ranh, đô đốc Đac–giăng–li–ơ đón Hồ Chủ tịch trên một chiếc tàu chiến khác. Cuộc gặp gỡ rất long trọng. Cao uỷ Pháp hứa hẹn sẽ thành thật chấp hành bản tạm ước. Nhưng trong khi đó y bí mật ra lệnh cho hải quân Pháp phong toả cửa biển Hải Phòng. Y không phái đại biểu tham gia những cuộc hội nghị đã định trong bản tạm ước để giải quyết các vấn đề. Y ra lệnh bắn vào quần chúng ở Nha Trang trong cuộc mít tinh mừng ngày thi hành bản tạm ước. Y sửa soạn kế hoạch tấn công Hải Phòng và Lạng Sơn.

Mặc dầu những hành động đối địch về phía Pháp, Hồ Chủ tịch vẫn cương quyết giữ gìn hoà bình.

Về đến Hải Phòng và Hà Nội, nhân dân đón Chủ tịch một cách vô cùng nhiệt liệt và thân mến. Nhân dân các thành phố và các làng lân cận đến chờ đợi hai ba ngay để đón Hồ Chủ tịch.

Suốt đường Hải Phòng – Hà Nội đông nghịt những người. Trước khi đi Pháp, Hồ Chủ tịch nhận được hàng vạn lá thư khuyên Chủ tịch đừng đi máy bay. Những bức thư này là của các hạng người đủ các tầng lớp, đủ các lứa tuổi.

Về đến Hà Nội, Hồ Chủ tịch liền họp chính phủ và Ban thường trực quốc hội, đặt những tổ chức để thi hành bản tạm ước, đồng thời đề phòng những sự phản bội của thực dân Pháp. Một kế hoạch xây dựng kinh tế được đặt ra. Chủ tịch đặt kế hoạch cho một vùng kiểu mẫu. Tất cả mọi việc đều nhằm mục đích củng cố hoà bình và xây dựng đời sống mới.

Nhưng thình lình thành phố Hải Phòng bị quân đội Pháp tấn công. Đấy là ngày 20 tháng 11 năm 1946. Ngày hôm sau thực dân Pháp lại tấn công Lạng Sơn.

Hồ Chủ tịch và tướng Moóc–li–e (Morlière), Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc bộ, cử những phái đoàn đến Hải Phòng thi hành mệnh lệnh ngừng bắn. Nhưng quân đội Pháp không ngừng bắn. Hải quân, không quân, lục quân Pháp đồng thời tàn sát ngót vạn đồng bào ở Hải Phòng.

Đã mấy lần, Chủ tịch gửi những bức điện văn cấp bách cho chính phủ, quốc hội và nhân dân Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh. Song chính phủ Pháp không trả lời những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch

Trái lại chính phủ Pháp gửi thêm viện binh. Nhiều đội quân nhảy dù và đội quân quân Lê–dương đổ bộ ở Hải Phòng, Đà Nẵng và Hà Nội.

Tình hình thêm nghiêm trọng.

Nhân dân Hà Nội phải chuẩn bị những phương pháp an toàn. Họ đắp chướng ngại vật và đào hầm trú ẩn. Nhiều gia đình tản cư.

Hàng ngày, máy bay Pháp thị uy trên không phận Hà Nội, thậm chí lượn qua cả dinh Hồ Chủ tịch. Binh lính Pháp tăng thêm khiêu khích.

Ngày 17 tháng 12, lính Pháp dùng vũ lực đòi chiếm trụ sở của Bộ Tài chính.

Tướng Moóc–li–e, tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc bộ, gửi cho Chính phủ ta một bức tối hậu thư đòi giải giáp đội tự vệ, và quân đội Pháp càng khiêu khích già.

Mặc dầu tất cả những việc đó, Hồ Chủ tịch vẫn cố dàn xếp mọi việc một cách hoà bình.

Tối 19 tháng 12, quân đội Pháp bắt đầu liên tiếp tấn công Hà Nội và những thành phố khác.

Sáng ngày 20 tháng 12, đại bản doanh ở ngoại ô Hà Nội, Hồ Chủ tịch kêu gọi nhân dân toàn quốc kháng chiến.

Thực dân Pháp tin chắc là chúng sẽ thắng. Chúng tưởng rằng chỉ trong vài ngày chúng sẽ hoàn toàn chiếm được Hà Nội. Nhưng chúng đã lầm to. Hà Nội chiến đấu anh dũng. Sau hai tháng chống cự kịch liệt, an toàn rút khỏi Hà Nội.

Quân Pháp chiếm Hà Nội nhưng đã thiệt hại:

Hơn 3.300 binh sĩ chết và bị thương

420 súng trường

100 tiểu liên và trung liên

4 Súng cối

25 Xe tăng

70 Xe vận tải

4 Ca-nô bọc sắt

Ngày 25 tháng 12 năm 1946, Hồ Chủ tịch nghe tin ông Mu–tê (Marius Moutet), bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp đã đến Đông Dương, Chủ tịch gửi cho ông ta một bức điện chúc mừng lễ Nô–en và mời ông này đến nói chuyện tìm cách cứu vãn hoà bình.

Nhưng cao uỷ Pháp Đác–giăng–li–ơ đã tổ chức một màn kịch khủng bố để làm cho ông Mu–tê khiếp sợ. Ông Mu–tê chỉ ở lại có một ngày, rồi đi ngay không đến gặp Hồ Chủ tịch.

Như thế là hy vọng dàn xếp hoà bình đã tiêu tan. Hồ Chủ tịch cùng với nhân dân Việt Nam quyết định kháng chiến đến cùng.

Chính sách của Hồ Chủ tịch rất giản đơn và rõ ràng: thống nhất toàn quốc và độc lập thật sự. Hợp tác bình đẳng và thành thật với nhân dân Pháp.

Sau sáu tháng chiến tranh, vì thất bại nhiều tướng tá quan lại Pháp bị gọi về nước.

Đô đốc Đác–giăng–li–ơ,

Tướng Va – luy (Valluy),

Tướng Moóc–li–e,

Ủy viên Xanh–tơ–ni và nhiều người khác về nước.

Trong sáu tháng, Pháp đã mất.

5 quan năm, trong đó có tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc bộ và tham mưu trưởng

Một số lớn sĩ quan và hạ sĩ quan

30.500 lính chết và bị thương

3.500 súng trường

1000 tiểu liên, trung liên và F. M

Hơn 10 khẩu đại bác

35 máy bay (bị phá ở trường bay hoặc bị bắn rơi)

94 xe tăng

437 xe vận tải

7 đầu máy xe lửa, và hơn 20 ca nô bọc sắt

Nhưng ngoài việc chiếm được vài thành phố đã phá hoại, tình cảnh của Pháp không được cải thiện mà càng ngày càng khó khăn. Chúng liền trả thù thường dân tay không.

Chúng đốt phá làng mạc, đốt phát nhà thờ, đình chùa. Chúng hãm hiếp từ em bé mười hai tuổi đến cụ già hơn bảy mươi tuổi. Chúng cũng không tha các nữ đồng trinh và các bà xơ ở nhà thờ. Sau khi đã hãm hiếp, chúng giết họ bằng cách hết sức dã man, hết sức tàn nhẫn.

Chúng cướp phá mùa màng và phá huỷ tất cả những thứ gì chúng không mang đi được. Chúng giết chóc dân quê trong đó có cả các cha cố Việt Nam.

Đây là một ví dụ trong hàng ngàn việc khác: ngày 20 tháng 6 năm 1947, một toán lính Pháp vào làng Kiện Ha. Chúng bắt năm mươi trẻ em, sáu cụ già, bốn mươi đàn bà và con gái. Chúng nhốt họ vào trong những cái rọ, nhét đầy rơm và tươi ét–xăng. Rồi chúng quạt liên thanh đạn lửa vào. Tất cả những người bị bắt đầu cháy thành than. Rồi chúng đốt hết hai trăm mười sáu nhà trong làng.

Trong hàng ngũ quân đội Pháp đánh nhau với chúng ta, có rất nhiều lính Hít–le cũ ở Đức. Có cả rất nhiều lính phát xít Ý. Ví dụ: Bốt–lai (Giuseppe Botlai), cựu nghị viên của nghị viện phát xít, tổng đốc ở La–mã và tay phải của Mút–xô–li–ni (Mussolini) cũng ở trong đội quân Lê-dương đổi tên là Ba–ta–gơ–li–ô (Bataglio). Nó đóng chức cai, và được thưởng huân chương vì những “chiến công” kể trên.

Sau đây xin trích một vài bài báo Pháp nói về tình hình và hành động dã man của lính Pháp ở Việt Nam.

Báo Nhân đạo ngày 21 tháng 5 viết:

“Ở Việt Nam, chiến tranh vẫn tiếp tục, lẽ tất nhiên bọn tướng tá vẫn luôn luôn lạc quan. Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ. Ở Nam bộ, người ta không dám ra khỏi vùng quân đội Pháp chiếm đóng. Muốn đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho, cách nhau sáu mươi cây số, thật là một cuộc viễn chinh quân sự với xe tăng và chiến xa.

Ở Bắc bộ, làng mạc xung quanh Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng ba phần tư đã bị phá hoại, và hầu như không có dân chúng.

Đài phát thanh Nam bộ cho chúng ta biết từ 20 tháng 12 năm 1946 đến nay, người Pháp đã mất ba nghìn năm trăm binh sĩ chết và năm nghìn bị thương, mười ba súng cối, mười ba xe tăng, bảy mươi ba xe vận tải, chín máy vô tuyến điện và hàng chục liên thanh súng trường bị quân đội Việt Nam cướp hoặc phá huỷ. Sự thiệt hại của Pháp ở Bắc bộ ít nhất cũng lớn như thế. Như vậy có thể nói từ tháng Chạp năm 1946, mỗi tháng bảy trăm thanh niên Pháp đã bỏ mạng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam…”

Một hiến binh Pháp ở Nam bộ viết:

“Ngày mồng 2 tháng 5 một toán lính Pháp được phái đi càn quét Việt Minh. Họ vây làng. Nhưng đáng lẽ vây làng họ lại bắn đại bác vào làng. Mỗi lần vào làng, lính Pháp tranh nhau cướp bóc và đốt phá.

Lính Pháp làm như vậy là do lệnh của bọn chỉ huy.

Sau khi đốt bốn mươi nhà, lính Pháp còn cướp trâu. Tôi thấy rằng chúng ta không phải là những người có sứ mạng mang lại hoà bình mà là những người đến để cướp bóc”.

Một tờ báo khác, Tiếng nói Pháp (tháng 8 năm 1947), đã viết:

“… Mất thể diện ở Đông Dương, nghĩa là mất Đông Dương. Chúng ta vào Cao Miên, Lào và những thành phố lớn ở Việt Nam, nhưng chúng ta không kiểm soát được hương thôn. Từ phòng ngự, kẻ thù đã chuyển sang tấn công. Một cái cầu cách Hà Nội bảy cây số luôn luôn bị quân đội Việt Nam kiểm soát. Thành phố Sài Gòn không được an toàn. Quân đội chúng ta bị vây trong những thành phố. Trong một năm nay, chúng ta kiểm soát Nam bộ. Nhưng ngày nay Nam bộ do du kích Việt Nam kiểm soát. Binh sĩ người bản xứ do chúng ta vũ trang vác khí giới chạy sang hàng ngũ du kích Việt Nam. Sau ngày 19 tháng Chạp chúng ta lạc quan, nhưng hiện nay chúng ta rất bi quan.

Muốn tránh những tai hoạ cho họ sau này, chính phủ lâm thời Nam Kỳ cũng đã bắt đầu ve vãn Việt Minh. Như thế, cả những người bạn của chúng ta cũng kiếm cách bảo đảm đời sống của họ mà làm hại chúng ta. Và nếu chúng ta tiếp tục suy yếu, họ sẽ quay lại phản đối chúng ta.

Những lời kêu la này chứng tỏ khá rõ ràng tình cảm của quân Pháp hiện nay.

Bô–la–e (Bollaert) thay thế Đác–giăng–li–ơ.

Người tuy thay đổi nhưng chính sách địa vẫn như cũ. Được bài học thất bại của kẻ đi trước, Bô– la–e khôn khéo hơn. Về mặt quân sự, Bô-la–e nói đến hoà bình. Giả nhân, giả nghĩa, Bô–la–e tuyên bố tán thành thống nhất và độc lập của Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục chính sách xâm lược.

Lê Văn Hoạch, thủ tướng chính phủ bù nhìn Nam Kỳ chỉ là một tên mật thám dưới thời Nhật chiếm đóng. Hoạch không có tên tuổi, không có ảnh hưởng. Người Việt Nam đều ghét Hoạch. Vì vậy Bô–la–e tìm người thay Hoạch.

Bô–la–e tìm những tên thân Nhật: Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Văn Sâm. Bô–la–e giúp bọn này tổ chức “Mặt trận quốc gia” để chống lại chính phủ Hồ Chí Minh.

Những âm mưu của Bô–la–e đã thất bại vì ba “ngài” này đã nổi tiếng là thành tích bất hảo.

Bô–la–e liền yêu cầu sự giúp đỡ của Bảo Đại đang nghỉ mát ở Hương Cảng. Nhưng Bảo Đại tỏ ra không sốt sắng lắm. Do đó bài diễn văn của Bô–la–e đáng lẽ đọc ở Hà Nội ngày 15 tháng 8 năm 1947, phải lùi lại và Bô–la–e hối hả đi từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ Sài Gòn về Pa–ri.

Qua những hành động trên, ta thấy rõ ràng chủ nghĩa đế quốc Pháp còn sống, mặc dầu các nhà chính trị Pháp tuyên bố là nó đã chết.

Hơn tám mươi năm bọn thực dân Pháp lớn nhỏ đã làm chúa ở nước ta. Ở Đông Dương, một tên nhà đoan hạng bét cũng là một tên vua con rất có quyền lực. Chúng làm giàu dễ dàng và nhanh chóng. Chúng sống giàu sang và xa hoa. Độc lập và thống nhất của Việt Nam đối với bọn này nghĩa là đuổi chúng ra khỏi thiên đường hạ giới, cho nên chúng không bằng lòng hợp tác bình đẳng với đồng bào ta, bỏ ý nghĩ ngoan cố, mà chỉnh đốn đời sống và công việc của chung trong những điều kiện mới. Chúng là bọn ương ngạnh phản động nhất, bọn tán thành chiến tranh nhất.

Rồi đến bọn quân nhân thuộc địa. Chiến tranh là nghề của chúng, là công cụ để mưu sống. Chiến tranh cho phép chúng lên cấp, được huân chương và nhất là được nhiều tiền. Những bức thư bắt được trong mình bọn lính Lê dương cho chúng ta biết rằng trong bọn chúng đã có tên gửi hàng trăm vạn quan về cho gia đình. Do đó ta dễ dàng đoán biết bọn võ quan làm giàu như thế nào. Bọn này cũng tán thành chiến tranh, chiến tranh càng kéo dài càng lợi cho chúng. Hai hạng này – quan lại và quân nhân – làm thành một khối hiếu chiến.

Những người thường dân Pháp phải đóng thuế nặng hơn cho quỹ chiến tranh, và những người bị bắt buộc phải để con đi lính – những người đã nộp máu và tiền vào chiến tranh – thì muốn hoà bình.

Đối với những nhà kỹ nghệ và những nhà buôn thường, không có cổ phần trong những nhà máy đúc súng đạn, chiến tranh không lợi gì cho họ. Thành phố bị tàn phá, đường sá bị hư hỏng, đồn điền bị đốt cháy, hầm mỏ bị phá huỷ, nói tóm lại họ bị phá sản, cho nên họ cũng muốn hoà bình để khôi phục lại sự nghiệp.

Chính sách của Hồ Chủ tịch và chính phủ rất đơn giản và rõ ràng.

Hồ Chủ tịch nói với nhân dân:

“Kháng chiến, kháng chiến trường kỳ. Kháng chiến nữa, kháng chiến đến cùng. Kháng chiến cho đến khi nước Việt Nam giành được thống nhất và độc lập!”.

Và nhân dân Việt Nam, muôn người như một, nghe theo lời Hồ Chủ tịch, vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chủ tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Nhiều nhà báo và nhiều người bạn ngoại quốc rất lấy làm ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị Cha già Hồ Chí Minh. Nhưng đối với chúng ta, người Việt Nam, thì rất dễ hiểu.

Hồ Chủ tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước yêu nhân dân của Hồ Chủ tịch. Hơn bốn mươi năm nay Hồ Chủ tịch chỉ đeo đuổi một mục đích giải phóng tổ quốc và đồng bào. Hồ Chủ tịch đã bị kết án tử hình vắng mặt. Hồ Chủ tịch nhiều lần bị bắt giam, luôn luôn phải trải qua những cơn nguy hiểm.

Chủ tịch đã từng chịu đựng khổ sở vất vả không thể tưởng tượng được suốt trong thời kỳ hoạt động bí mật. Chủ tịch đã bị đủ mọi thứ dụ dỗ. Nhưng Chủ tịch dũng cảm và kiên quyết vượt qua mọi khó khăn. Chủ tịch không bao giờ thay đổi, vẫn luôn luôn là một người yêu nước trong sạch và nhiệt tình.

Một dân tộc tám mươi năm sống dưới sự áp bức bóc lột dã man, đã thấy hàng bao nhiêu người con yêu hy sinh trong tù ngục, bây giờ đối với người con đã đập tan xiềng xích trói buộc mình và giành lại tự do cho mình, thì tất nhiên lòng kính yêu không phải là một chuyện lạ.

Chúng ta còn có những người yêu nước anh dũng và vĩ đại khác. Chúng ta có Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, và những người khác nữa. Nhưng chỉ có Hồ Chủ tịch của chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp mà các tiền bối chưa hoàn thành: Chủ tịch xây dựng khối “đoàn kết dân tộc” rộng rãi trên cơ sở vững vàng, khiến cho chúng ta chống Nhật và chống Pháp thắng lợi, đây là khối đại đoàn kết của hàng mấy chục triệu người Việt Nam không phân biệt trai gái, giai cấp, tôn giáo, khuynh hướng chính trị và khối đại đoàn kết ấy sẽ đưa cuộc kháng chiến của chúng ta đến thắng lợi cuối cùng.

Hồ Chủ tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của Người. Đúng như lời nói của Mặc Tử, nhà triết học Trung Quốc đời xưa: “Nếu có lợi cho thiên hạ thì dù mình bị mài mòn từ gót đến đầu cũng vui lòng”.

Trong khi Người đọc thư của các em nhi đồng gửi cho Người, đôi mắt nhà cách mạng kiên quyết ấy sáng lên vui vẻ. Những bức thư ấy viết rất ngây thơ, chân thành. Ví dụ:

“Bác Hồ yêu mến, chúng cháu đã biết đọc và biết viết, chúng cháu rửa mặt sạch hơn trước. Chúng cháu chơi rất vui. Bác Hồ, Bác đến thăm chúng cháu với! Chúng cháu hôn Bác ngàn cái. v.v.”.

Chủ tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân.

Hồ Chủ tịch được nhân dân yêu mến là do tính cương trực và lòng trong sạch của Người. Thái độ của Người ngay thẳng. Người nói một cách giản đơn để giải thích những vấn đề phức tạp, làm cho mọi người đều hiểu rõ.

Người sống rất thanh đạm: mỗi buổi sáng, bất cứ mùa hạ hay mùa đông, Người dậy từ lúc mờ sáng, ăn sáng qua loa. Ăn xong Người ghi việc sẽ làm cho ngày hôm đó. 7 giờ Người đến thăm trường học, bệnh viện, sở làm việc hoặc bộ đội. Không bao giờ báo trước vì Người muốn nhìn thấy sự thực. Đối với các thủ trưởng cơ quan, Người phê bình hoặc khen ngợi, cho chỉ thị và ý kiến, thái độ luôn luôn rất hoà nhã, 7 giờ rưỡi Người đến phòng làm việc. Buổi trưa, Người đến chỗ ăn công cộng. Ở đấy các bộ trưởng, thư ký, lái xe, vệ binh đều cùng ăn. Bữa ăn rất đạm bạc thường là dưa cà, đôi khi có thịt.

Ăn xong mọi người nghỉ ngơi cười đùa. Hồ Chủ tịch cũng vui vẻ tham gia.

Buổi chiều là giờ tiếp khách. Người tiếp khách ngoại quốc, các đoàn thể, hoặc từng người riêng. Có nhiều cụ già đi bộ hàng mấy ngày đường đến Hà Nội với mục đích gặp Hồ Chủ tịch. Đối với ai, Người cũng thân mật… 7 giờ tối. Người về nhà riêng.

Cơm tối xong, Người đọc sách, xem báo đến 11 giờ hoặc nửa đêm.

Người ăn mặc cũng rất giản dị, chỉ có hai bộ quần áo ka ki, một cái khăn tay vải to và hai đôi bít tất. Khi ở Pa–ri về, người ta thấy Hồ Chủ tịch mặc bộ ka ki đã vá. Có người yêu cầu Chủ tịch thay bộ quần áo khác. Chủ tịch đáp: “Nhiều đồng bào ta, nếu được bộ quần áo như thế này cũng là tốt lắm. Thế thì việc gì tôi phải thay”.

Mọi người kính mến Hồ Chủ tịch, nhất là thanh niên và nhi đồng.

Ở ngoài mặt trận khi xung phong các chiến sĩ hô lớn: Vì Tổ quốc và vì Bác Hồ, tiến lên!

Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất.

Đối với nhi đồng tên Bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn.

Về Hồ Chủ tịch, còn nhiều chuyện khác, viết thành nhiều quyển sách nhỏ, làm thành những bài hát, bài thơ.

Một vài chuyện nhỏ kể dưới đây cũng đủ tỏ lòng kính mến của nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ.

Một bức ảnh nhỏ của Người ở Hà Nội có đồng bào mua tới giá một trăm ba mươi vạn đồng.

Ở Nam bộ một chiến sĩ du kích hoạ sĩ bị thương ở chiến trường, trong khi chờ đợi cứu thương đến, đã lấy máu mình vẽ lên áo ảnh Hồ Chủ tịch.

Hội phụ nữ cứu quốc gửi tặng Hồ Chủ tịch một bộ áo lụa. Hồ Chủ tịch tặng anh em thương binh bộ áo này. Ban tổ chức giúp đỡ thương binh đem bán đấu giá bộ áo này, thu được bốn mươi sáu vạn bảy nghìn đồng.

Nhưng rất nhiều đoàn thể nhân dân từ Nam đến Bắc yêu cầu kéo dài thời hạn bán đấu giá, mong mua được bộ áo ấy với giá đắt hơn.

Những chuyện như trên còn nhiều, kể không hết được. Thanh niên, nhi đồng các nước bạn cũng thường gửi thư thăm hỏi Bác Hồ.

Nhân dân gọi Chủ tịch là Cha già của dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam.

Chúng tôi không có tham vọng viết một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch, chúng tôi chỉ mong quyển truyện này giúp đồng bào biết vài mẩu chuyện của vị lãnh tụ đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Thân thế của Hồ Chủ tịch gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, và cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch gắn liền với hoạt động của các chiến sĩ cách mạng và của quần chúng. Địa bàn hoạt động của Hồ Chủ tịch bao la, trong nước có, ngoài nước có. Thường lại phải hoạt động bí mật, khi ẩn, khi hiện rất khó theo dõi, mà Hồ Chủ tịch thì ít muốn nói về mình. Chúng tôi phải công phu bắt mối người này sang người khác. Chúng tôi phải dựa vào một số các đồng chí thường được gần gũi Hồ Chủ tịch. Các đồng chí này thỉnh thoảng, tình cờ trong những giờ nghỉ ngơi sau công tác hay trong những lúc đi đường được nghe Hồ Chủ tịch kể cho ít mẩu chuyện trong đời hoạt động của Người. Trên cơ sở đó, chúng tôi mạnh dạn viết ra tập sách nhỏ này thuật lại vài chuyện về Hồ Chủ tịch cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến. Chuyện của Hồ Chủ tịch trong và sau thời kỳ kháng chiến mong nhiều anh chị em chúng ta sẽ tiếp tục viết thêm./.

(Hết)
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2001.

Bình luận về bài viết này